MỘT SỐ YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ TRỒNG DƯA LƯỚI

Một số yếu tố cần thiết để trồng Dưa lưới với quy mô lớn, cho năng suất và chất lượng cao, như:

Các điều kiện cơ bản
– Đất đai: khu vực sản xuất phải có địa hình bằng phẳng, cao ráo để thuận tiện trong lắp đặt nhà màng và chăm sóc cây trong quá trình sản xuất. Nếu không thì tiến hành san lấp, làm nền, chống lún tránh ảnh hưởng đến nhà màng cũng như toàn bộ hệ thống trồng dưa lưới. 

– Vốn: để trồng dưa lưới, bước đầu tiên là phải xác định khả năng về vốn để quyết định quy mô sản xuất. Kết quả ghi nhận tại một số trang trại trồng dưa lưới ở các địa phương cho biết: Để xây dựng 01 trang trại trồng dưa lưới với diện tích 1.000 m2 với các hạng mục gồm: nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, vốn dao động trong khoảng 500-650 triệu đồng; Chi phí đầu tư cho mỗi vụ dao động trong khoảng 60-75 triệu đồng.

– Hạ tầng kỹ thuật
+ Lưới điện: để hệ thống bơm dung dịch dinh dưỡng cho cây hoạt động và để thực hiện sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, khu vực trồng dưa lưới cần có lưới điện và hệ thống phát điện dự phòng.

+ Giao thông: để việc vận chuyển lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, vật tư… và đặc biệt là để vận chuyển sản phẩm thu hoạch đến nơi tiêu thụ nhanh chóng và không bị dập, hư hỏng cần có hệ thống giao thông thuận lợi.
– Lao động: để trồng dưa lưới với quy mô 1.000 m2 cần từ 3-4 người. Trong đó, có ít nhất một người lao động trực tiếp có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật cao để nhận biết tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây… Do đó, người thực hiện phải được huấn luyện, đào tạo, tham quan học tập trước khi thực hiện sản xuất để tránh rủi ro. Hiện nay, các địa phươngcó tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có lớp trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Các lớp học đều được trang bị về kiến thức và kỹ năng thực hành, kết hợp tham quan kiến tập cho học viên được tiếp cận và ứng dụng sản xuất hiệu quả hơn.
– Đơn vị lắp đặt nhà màng, cung cấp trang thiết bị: Đối với người chưa có kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện trồng dưa lưới trong nhà màng, để tránh bị trục trặc, lãng phí, hao tốn về vốn… trước khi quyết định trồng, cần phải được tư vấn, tham quan một số trang trại đang trồng dưa lưới trong nhà màng hiệu quả, tham khảo, lựa chọn đơn vị có uy tín về cung cấp vật tư, lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt.

2. Thiết kế, bố trí
2.1. Nhà màng
– Ưu điểm: được lắp đặt với vách bao quanh bằng lưới chặn côn trùng nên kiểm soát được côn trùng gây hại, kiểm soát được các điều kiện về môi trường trồng như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và thông thoáng thông qua hệ thống làm mát, quạt, mái che cắt nắng… đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây dưa lưới phát triển, cho năng suất cao nhất và sản phẩm đồng đều với chất lượng cao.
– Hạn chế: do nhà màng được lắp đặt kiên cố, có các trang thiết bị như hệ thống quạt thông gió, hệ thống cắt nắng. Kết cấu nhà phức tạp, nông dân khó tự lắp đặt, cần phải được tư vấn và thực hiện bởi các đơn vị chuyên lắp đặt nhà màng và cung cấp vật tư, thiết bị. Nông dân chưa có sẵn vốn lớn để đầu tư. Chi phí cao.
– Thiết kế, lắp đặt nhà màng: lắp đặt nhà màng phải đảm bảo tính hài hòa về không gian, thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện chân đất, điều kiện thời tiết; phải đảm bảo tính an toàn cho cây trồng và người sử dụng. Các vật liệu được dùng trong nhà màng phải có độ bền, chống chịu được mưa, gió, phải đảm bảo độ thông thoáng, giảm độ chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà màng. Diện tích nhà màng nên tối thiểu 1.000 m2 và chiều cao tối thiểu 07 m.
– Mặc dù trồng dưa lưới trong nhà màng nhưng vẫn có thể xuất hiện côn trùng, nấm bệnh gây hại như bọ trĩ, bọ phấn, nấm bệnh… bởi vì nơi trú ẩn và phát sinh của các sinh vật trên là từ môi trường đất. Do đó, để kiểm soát côn trùng, bệnh hại, đồng thời với lắp đặt nhà màng, nền nhà cũng có thể phủ bạt hoặc tráng xi măng hoặc phải vệ sinh, xử lý kỹ bằng vôi. Lưu ý: nhà màng thiết kế cửa ra vào qua phòng cách
ly nên làm 2-3 lớp cửa, bố trí quạt gió tại cửa cách ly.

– Kiểu nhà màng: đến nay, có 03 kiểu nhà màng phổ biến gồm nhà màng mái hở cố định một bên, nhà màng mái hở cố định hai bên, nhà
màng hai mái đóng mở kiểu cánh bướm. Mỗi kiểu có hình dáng và ưu điểm như
sau:
 

a) Nhà màng mái hở cố định một bên
Nhà màng mái vòm lệch hở cố định một bên. Mái có độ nhô lên theo dạng cung tròn lệch, giữa phần lệch của hai cung tròn là cửa thông gió, nhờ đó tăng được hiệu quả làm mát, kiểm soát tốt sự ngưng tụ của hơi nước.

b) Nhà màng mái hở cố định hai bên
Nhà màng mái vòm lệch hở cố định hai bên cũng giống như cấu trúc mái hở cố định một bên, chỉ khác ở chỗ loại nhà này có cửa thông gió đôi. Mái có độ nhô lên theo dạng cung tròn, trên đỉnh mái có hai cửa thông gió cố định, nhờ đó tăng được hiệu quả làm mát, kiểm soát tốt sự ngưng tụ của hơi nước so với nhà màng mái hở cố định một bên.

c) Nhà màng hai mái đóng mở kiểu cánh bướm
Mái nhà màng được thiết kế hai cửa theo hình cánh bướm, có thể đóng mở đóng mở nhằm điều chỉnh tăng, giảm mức độ thông khí theo yêu cầu.

2.2. Các trang thiết bị, vật tư
– Hệ thống cáp treo cây dưa (Hình 9): Sợi ngang cách nhau khoảng 03 m; hai sợi dọc theo luống cây trồng cách nhau khoảng 1,5 m; độ cao cáp khoảng 2,5 m.
– Bạt trải nền (Hình 10): nên sử dụng bạt màu trắng, phản xạ ánh sáng, hạn chế hấp thu nhiệt, giúp cây quang hợp tối đa. Đồng thời, ngăn cỏ dại, phòng ngừa bệnh, côn trùng gây hại phát sinh từ đất.
– Hệ thống máng thu hồi nước và khay cách ly (Hình 11, 12): Hệ thống thu hồi nước thừa tránh ẩm mốc, tránh nấm bệnh. Khay cách ly giúp rễ cách ly với mặt sàn, cách ly với nước tưới thừa, tạo cho rễ thông thoáng, tránh lây lan bệnh giữa các cây trong nhà trồng.
– Móc treo cây giúp tăng, hạ chiều cao cây dưa, giữ cây dưa không bị tuột.
– Dây treo cây: Chịu lực, giúp cây bám dễ dàng.

– Kẹp dây, cố định và giữ thân cây (Hình 13, 14).
– Móc trái, giúp cố định trái, tạo dáng cho cuống đẹp.

– Vật liệu đựng giá thể: Thông thường sử dụng túi nhựa bên ngoài màu trắng bên trong màu đen, giúp cây quang hợp tốt hơn, rễ phát triển khỏe. Túi có chiều cao trung bình 40 cm, rộng trung bình 40 cm.

2.3 Hệ thống tưới nhỏ giọt (Hình 6)
– Hệ thống tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng: nên sử dụng hệ thống nhỏ giọt dạng đầu cắm để thuận tiện trong quá trình canh tác, tùy điều kiện địa hình canh tác có thể lựa chọn loại đầu cắm có bù áp hoặc không bù áp (lưu lượng khoảng 1,3 lít/h/1 đầu cắm). Tuy nhiên, với địa hình có độ dốc nên dùng loại có bù áp để đảm bảo lưu lượng giữa các đầu cắm không thay đổi, luôn nhỏ giọt với lưu lượng như nhau. Điều khiển tưới theo thời gian cài đặt trước thông qua bộ hẹn giờ và van điện từ (loại 24 V): Ống chính để cắm bộ dây tưới nhỏ giọt 16 mm. Máy bơm dinh dưỡng công suất 1,5 HP.
– Bồn chứa nước và dinh dưỡng: Thông thường, để vận hành hệ thống tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng cần 01 bồn chứa nước; 02 bồn chứa dinh dưỡng (01 bồn chứa dung dịch dinh dưỡng A, 01 bồn chứa dung dịch dinh dưỡng B), hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc. Hệ thống đảo trộn phân tự động để tránh lắng đọng dinh dưỡng bên dưới đáy bồn. Hệ thống châm phân tự động. Số lượng đầu cắm và dây tưới theo khoảng cách và mật độ trồng dưa lưới dao động từ 2.500-2.700 cây/1.000 m
2.

(Nguồn: Trung tâm khuyến nông TP. Hồ Chí Minh)

Cảm ơn đã xem bài viết, hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *