PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
CÔNG NGHỆ CAO Ở MỘT ĐỊA PHƯƠNG
CTV. Trần Quốc Hoàn
Là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng và là trụ đỡ cho nền kinh tế nước ta. Trong những thập niên qua, nông nghiệp Việt Nam được công nhận là ngành kinh tế có những bước tiến mạnh mẽ, duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng cũng như giá trị. Nhưng, so với các nước tiên tiến trên thế giới thì nông nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn là nền sản xuất thô, tiêu tốn nhiều nguồn lực, việc ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa giải quyết những vấn đề còn tồn tại nhằm khởi sắc bức tranh nông nghiệp nước nhà trong thời kỳ hội nhập. Tổng hợp quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số tỉnh, thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Sơn La thì có nhưng hạn chế như:
– Thứ nhất là hạn chế về công nghệ: Chưa có tiêu chí thống nhất về công nghệ cao trong nông nghiệp. Chúng ta mới tập trung nghiên cứu ứng dụng về công
nghệ sinh học mà chưa chú trọng nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ cao
khác, như: công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí … So với các nước tiên tiến thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở nước ta còn thấp và chưa có hệ thống; chúng ta chưa tạo ra được các công nghệ mới tiên tiến phù hợp, đồng bộ; bên cạnh đó một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện ở nước ta [1]
– Thứ hai là hạn chế về nguồn nhân lực: Chúng ta chưa có nhiều cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, chưa có nhiều cán bộ quản lý có kinh nghiệm tại các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, việc đào tạo, tập huấn cho kỹ thuật viên về các công nghệ cao chưa được chú trọng, đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ còn thiếu [1]
– Thứ ba là hạn chế về quy hoạch và đầu tư: Chưa có quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và trình diễn công nghệ cao trong nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế; việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn và chưa đồng bộ [1]
– Thứ năm là hạn chế về chính sách và tổ chức triển khai: Chưa có chính sách cụ thể và đồng bộ hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chính sách về đất đai, chính sách về thuế, chính sách vay vốn ưu đãi…; chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa công nghệ sinh học với các lĩnh vực công nghệ khác trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao [1].
Với những hạn chế nêu trên, nhìn chung các địa phương đã tìm ra những giải pháp sau:
– Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch tổng thể đối với nông nghiệp: Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược [6]. Qua đó, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển nông nghiệp trung hạn và dài hạn; xây dựng kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng và địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản [2].
– Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai: Cần sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng nới rộng “hạn điền” cho các chủ thể trực tiếp quản lý, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Trước hết là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất hợp lý, bảo đảm giữ ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sản xuất lớn và hình thành chuỗi giá trị sản xuất [2].
(Dây chuyền sản xuất hoa nông nghiệp công nghệ cao ở ở Công ty HasFarm – Đà Lạt (Ảnh: Trần Quốc Hoàn, 2022)
– Thứ ba, tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học và công nghệ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: Cần phát huy vai trò của Nhà nước thông qua nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các khu nông nghiệp và vùng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình. Từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, giúp các doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh [2].
Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ (KHCN) theo hướng chuyển từ nhiệm vụ KHCN sang khoán, đặt hàng sản phẩm KHCN gắn với giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đề tài nghiên cứu, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi, thành lập DN KHCN nông nghiệp có năng lực để thực hiện vai trò nòng cốt, truyền dẫn công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ [3]. Tăng cường hợp tác về KHCN đối với các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, như: Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Israel… [4]. Thu hút các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp [3]
– Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp: Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần có sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả nội dung, mô hình, chương trình và phương thức đào tạo. Nội dung đào tạo cần trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản để người lao động có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu công việc. Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn trong khu vực nông thôn [2]. Có chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực có trình độ khoa học – kỹ thuật cao từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về làm việc hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh. Đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về khối ngành kỹ thuật công nghệ thông tin, công nghệ cảm biến IoT, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ sinh học, quản lý nông vụ, truy xuất nguồn gốc… [3].
– Thứ năm, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản: Cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp công nghệ cao quy mô quốc gia, quốc tế. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và internet để cho người dân tiếp cận được thông tin về thành tựu ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao [2]. Phát triển chuỗi giá trị thương hiệu nông sản công nghệ cao và giá trị gia tăng ngay từ khâu thu hoạch [4].
– Thứ sáu, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ cơ giới hóa, cung cấp máy móc, thiết bị nông nghiệp (cho thuê thiết bị, cung cấp dịch vụ phun thuốc, cày, xới…). Bên cạnh đó, việc hình thành các trung tâm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích khác: thu hút được các DN tư nhân tham gia cung cấp nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại; Nhà nước có thể hỗ trợ các trung tâm này bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm hiệu quả sử dụng đầu tư công và tính lan tỏa cao hơn so với việc hỗ trợ trực tiếp một hoặc một vài đơn vị nhất định [3].
– Thứ bảy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khuyến nông. Lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến lâm; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… để phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Hoạt động khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất; nội dung, phương pháp khuyến nông phải phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng… Đổi mới và nâng cao chất lượng bản tin khuyến nông, các nội dung liên quan đến sản xuất và thị trường; làm tốt công tác dự báo thị trường nông sản, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường…[3]
– Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao CNC, đầu tư, xuất khẩu nông sản CNC. Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và các tổ chức khác về phát triển NNCNC [4].
– Thứ chín, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất để phát triển bền vững. Tùy theo mỗi giai đoạn thì thực hiện 4 lấy này với những yêu cầu khác nhau và ngày càng cao hơn [5].
Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển tiềm năng này bằng cách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, xã hội địa phương. Vì vậy, những nội dung nêu trên, hy vọng sẽ hữu ích cho quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Tất Khương và Trần Anh Tuấn. Một số vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam – Kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc
- http://lyluanchinhtri.vn/(2021).Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- 3. https://www.quanlynhanuoc.vn/(2022). Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Sơn La
- https://dangcongsan.vn/kinh-te/ (2021). Lâm đồng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- https://vov.vn/kinh-te/(2017). Bí quyết để Lâm đồng đẫn đầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
- https://thuvienphapluat.vn/(2022). Thông báo kết luận của Thủ tướng Cính phủ tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Cảm ơn đã xem bài viết, hẹn gặp lại!