XÂY DỰNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ NÔNG SẢN Ở BÌNH PHƯỚC

CTV.Trần Quốc Hoàn

Nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên trong tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu đó [1]. Khi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ mang lại cho chủ thể sở hữu và người sản xuất những lợi ích trong sản xuất kinh doanh, như:

– Khẳng định được tính chất đặc trưng chung của hàng hóa, dịch vụ: Nhãn hiệu tập thể như một chỉ dẫn chung nhất cho hàng hóa, dịch vụ về xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, văn hóa, truyền thống. Do đó, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể sẽ có những tính chất đặc trưng chung nhất định mà thị trường yêu thích.

– Nâng cao tính cạnh tranh và khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ: Tổ chức sở hữu nhãn hiệu tập thể gồm nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động độc lập với nhau. Nhưng, nếu họ tuân thủ theo quy tắc chung, hệ thống tiêu chuẩn chung của tổ chức sở hữu thì họ được sử dụng nhãn hiệu tập thể để cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường. Từ đó, họ đã tổng hợp được sức mạnh để cùng nhau quảng bá, phát huy được giá trị và đáp ứng được khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường lớn. Nên họ đã cùng nhau tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, đặc biệt đối với những tổ chức nhỏ lẽ cũng như hộ gia đình, cá nhân.

– Ứng dụng được khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh: Khi đã đăng ký nhãn hiệu tập thể thì các thành viên trong tổ chức nhãn hiệu tập thể là một cộng đồng với mục tiêu chung là tạo ra hàng hóa, dịch vụ để cung ứng cho thị trường với hiệu quản sản xuất kinh doanh cao nhất. Do đó, họ sẽ cùng nhau hợp tác để tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiên tiến trong thời kỳ cách mạng 4.0 vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

– Làm tiền đề để tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý ở cấp quốc gia và trên cả thị trường quốc tế. [6].[7].[8].

Là Quốc gia bước vào giai đoạn phát triển, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng của đất nước. Mặc dù được khuyến khích phát triển theo tầm nhìn chiến lược, nhưng sản xuất nông nghiệp nhìn chung ở quy mô nhỏ lẻ. Những tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao còn khiêm tốn. Lực lượng chính tham gia vào sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn là các danh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và nông dân. Sản phẩm nông sản đạt chuẩn Quốc gia và quốc tế còn hạn chế, giá trị chế biên sâu trong chuổi giá trị toàn cầu ở mức thấp, tiềm năng nông sản chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng: (1) Tăng quy mô sản xuất có tính tập thể, hình thành những vùng nguyên liệu lớn, phát huy được những giá trị đặc trưng về chất lượng và truyền thống văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế và khu vực để xây dựng và khẳng định giá trị hàng hóa, dịch vụ nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế. (2) Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nói chung và nhãn hiệu hàng hóa tập thể nói riêng là hướng phát triển bền vững và là công cụ để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế [4].

Bình Phước có tiềm năng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, theo Niên giám thống kê năm 2019, thì trên địa bàn tỉnh hiện có: 759.225 dân cư nông thôn. 814 trang trại (gồm: 572 trang trại trồng trọt, 240 trang trại chăn nuôi và 2 trang trại khác). 4.378 doanh nghiệp (trong đó: 1.588 doanh nghiệp dưới 5 người, 938 doanh nghiệp 5 – 9 người, 898 doanh nghiệp 10 – 49 người). 56 hợp tác xã. 54.094 cơ sở kinh tế cá thể. 15.409 ha cây lương thực. 34.159 ha cây hàng năm. 411.616 ha cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, tiêu, điều. 11.842 ha cây ăn quả như cam, bưởi, xoài, sầu riêng. Từ những lợi ích mà nhãn hiệu tập mang lại, cùng với chiến lược phát triển và tiềm năng sản xuất nông lâm nghiệp thì việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản ở Bình Phước là rất cần thiết. Nhưng đến nay, chỉ mới có 3 loại nông được xây dựng nhãn hiệu tập thể, gồm: “Hồ Tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương – Bình Long”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương – Bình Long”. Còn lại, phần lớn nông sản của tỉnh chưa được xây dựng nhãn hiệu tập thể. Từ thực tế này, ngày 01/12/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một số sản phẩm nông nghiệp có những đặc trưng nổi bật ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được chọn để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Với mong muốn góp phần hỗ trợ các địa phương sớm thực hiện thành công Kế hoạch này, bài viết đề xuất một số giải pháp xây dựng nhãn hiệu tập thể như sau:

– Tuyền truyền: Thiết lập được hệ thống tuyên truyền sâu, rộng về lợi ích mà nhãn hiệu tập thể nông sản mang lại cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

– Xác định rõ quy trình cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể: Nhãn hiệu tập thể được pháp luật bảo hộ thông qua giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể chính là việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, trình Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, cấp giấy chứng nhận như Hình 01, gồm bước tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu tập thể và bước đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trong quá trình thực hiện những bước này có thể phát sinh khiếu nại thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

– Tập huấn: Cần có kế hoạch tổ chức tập huấn về xây dựng nhãn hiệu tập thể nông sản cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

– Cơ chế, chính sách: Cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho việc xây dựng, khai thác, quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể nông sản trên địa bàn tỉnh.

– Bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo hộ những nông sản đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

– Bổ sung kế hoạch: Xác định những nông sản có khả năng xây dựng nhãn hiệu tập thể để bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

– Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhãn hiệu tập thể nông sản trên địa bàn tỉnh và tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh ở Trung tâm Điều hành thông minh.

– Thực hiện nhiệm vụ khoa học: Hàng năm tỉnh cần xét chọn và cho triển khai những nhiệm vụ khoa học và công nghệ về xây dựng nhãn hiệu tập thể nông sản trên địa bàn tỉnh.  

Tóm lại: Nhãn hiệu tập thể nông sản mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Phước. Nhãn hiệu tập thể đã được luật hóa, có trình tự, thủ tục rõ ràng, thuận lợi cho các tổ chức đăng ký cấp giấy chứng chứng nhận. Tỉnh cần thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nhãn hiệu tập thể nông sản và sớm thực hiện thành công Kế hoạch triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội (2005, 2009, 2019). Luật Sở hữu trí tuệ.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2007, 2010, 2011, 2013, 2016). Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007.
  3. UBND tỉnh Bình Phước (2020). Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 01/12/2020 triển khai thực Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
  4. Cục Sở hữu trí tuệ (2019). Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.
  5. https://luatvietan.vn/dang-ky-nhan-hieu-tap.html. Đăng ký nhãn hiệu tập thể. 
  6. https://trademarks.vn/nhan-hieu-viet-nam/nhan-hieu-tap-the-la-gi.html.Nhãn hiệu tập thể là gì?
  7. https://phan.vn/nhung-ly-do-tai-sao-nen-dang-ky-nhan-hieu-tap-the.html.Các lý do tại sao nên đăng ký nhãn hiệu tập thể.
  8. https://skhcn.binhphuoc.gov.vn. Xây dựng nhãn hiệu tập thể làm tiền đề để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm điều Bình Phước. 

 

 

Cảm ơn đã xem bài viết, hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *