MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC XÂY DỰNG

NHÃN HIỆU TẬP THỂ DƯA LƯỚI NHA BÍCH

 CTV. Trần Quốc Hoàn

1. Đặt vấn đề

 Nhãn hiệu tập thể dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên trong tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu tập thể được pháp luật bảo hộ khi nhãn hiệu đó được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hay còn gọi là giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu tập thể cho thấy nguồn gốc, đặc trưng chung của hàng hóa, dịch vụ mà không phải hàng hóa, dịch vụ nào cũng có. Tổ chức sở hữu nhãn hiệu tập thể gồm nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động độc lập với nhau nhưng tuân theo quy tắc hoạt động chung, phát huy được những giá trị của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nên đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ có thể tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh toàn cầu như hiện nay.

Là Nước bước vào giai đoạn phát triển, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng của đất nước. Nhưng nông sản Việt Nam nhìn chung ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm nông sản đạt chuẩn quốc gia và quốc tế còn hạn chế, giá trị chế biên sâu trong chuổi giá trị toàn cầu ở mức thấp, thương hiệu nông sản chưa phát triển, tiềm năng nông sản chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng tăng quy mô sản xuất có tính tập thể, hình thành những vùng nguyên liệu lớn, đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu hàng, hóa dịch vụ nông sản. Nhưng nhãn hiệu hàng hóa là bước đi đầu tiên của quá trình xây dựng thương hiệu. Điều này đã cho thấy vai trò của nhãn hiệu tập thể nông sản [1].

Bình Phước có tiềm năng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng mới một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu của mình ở thị trường trong nước và Quốc tế như Hạt điều, Tiêu, Cao su… Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cần được xây dựng nhãn hiệu và từng bước khẵng định thương hiệu của mình. Từ thực tế này, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 01/12/2020 triển khai thực Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch này thì việc xây dựng nhãn hiệu tập thể Dưa lưới Nha Bích là cần thiết và cấp bách.

(Thu hoạch Dưa lưới ở Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ và Thương Mại Nha Bích)

 2. Mục tiêu

Nhãn hiệu tập thể Dưa lưới Nha Bích được xây dựng cần có những mục tiêu cụ thể, như: Sản phẩm Dưa lưới được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm Dưa lưới. Tạo nên mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm Dưa lưới với quy mô lớn và bền vững. Khai thác sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể để từng bước xây dựng thương hiệu Dưa lưới Nha Bích.

3. Nội dung

Để đạt được những mục tiêu nêu trên thì trước hết Dưa lưới Nha Bích phải được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mà để được cấp giấy chứng nhận này thì cần phải thực hiện những nội dung sau:

(1) Đánh giá tính khả thi của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể: Đánh giá tính khả thi là phân tích, tổng hợp, xem xét lại những điều kiện cần và đủ để tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể, gồm những nội dung như: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tư liệu cần thiết để xây dựng nhẵn hiệu tập thể; phân tích, tổng hợp, đánh giá tính khả thi của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể.

(2) Xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Trên cơ sở kết quả đánh giá tính khả thi thì tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể với những nội dung sau:

– Phân tích đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội xã Minh Lập: Những đặc điểm được chọn lọc để phân tích là những đặc điểm liên quan đến sản xuất Dưa lưới.

– Phân tích thực trạng sản xuất Dưa lưới, về: Quy mô, phân bố Dưa lưới;  tổ chức sản xuất; khoa học, công nghệ, kỹ thuật áp dụng, tập quán canh tác; mức độ phù hợp của Dưa lưới với điều kiện lập địa (đất đai); thị trường tiêu thụ sản phẩm; năng suất, sản lượng; hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tính bền vững; chất lượng sản phẩm, tính đặc thù, tính địa lý; nhu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

– Lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể được lập cần có đầy đủ 6 hợp phần, gồm: (i) Xác định chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể. (ii) Xác lập danh mục hàng hóa Dưa lưới cần đăng ký và chủ sở hữu nhãn hiệu. (iii) Tạo Mẫu nhãn hiệu tập thể (mẫu được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn quy định, thanh thoát, toán lên được hình ảnh, giá trị Dưa lưới được trồng ở xã Minh Lập). (iv) Bản thuyết minh sản phẩm Dưa lưới là báo cáo thuyết minh tổng hợp nhiều nội dung, trong đó có những nội dung trọng tâm, như: Tính đặc thuc của sản phẩm, nguồn gốc địa lý của sản phẩm; chất lượng sản phẩm. (v) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Dưa lưới, thể hiện được những nội dung, như: Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu; các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu; các điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu; các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu; nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…); quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …); cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; cơ chế chế giải quyết tranh chấp. (vi) Bản đồ xác định vùng trồng Dưa lưới.

4. Quy trình Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp. Việc đăng ký văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập (cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể) theo quy trình hiện hành, gồm những bước sau:

(1) Bước tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu tập thể: Ở bước này chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ tra cứu, đánh giá hồ sơ đăng ký, cụ thể:

– Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể hoặc đại diện được ủy quyền (sau đây gọi là bên đăng ký) gửi hồ sơ tra cứu khả năng đăng ký nhãn hiệu tập thể đến Cục Sở hữu trí tuệ với thành phần hồ sơ, gồm: Mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ (theo mẫu hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ).

– Cục Sỡ hữu Trí tuệ đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với hồ sơ đề của bên đăng ký. Nội dung đánh giá chính là khả năng bị trùng tên hay khả năng gây nhàm lần. Nếu:

    * Không có khả năng đăng ký nhãn hiệu thì Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ thông báo cho bên đăng ký nhãn hiệu tập thể biết. Trong trường hợp này, bên đăng ký nhãn hiệu tập thể có thể tiếp tục hoàn chỉnh lại hồ sơ và gửi lại Cục Sở hữu Trí tuệ để thẩm định, nếu có nhu cầu.

     * Có khả năng đăng ký nhãn hiệu thì Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ thông báo cho bên đăng ký nhãn hiệu tập thể biết và làm hồ sơ để tiến hành đăng ký nhãn hiệu.

(2) Bước đăng ký nhãn hiệu tập thể: Bên đăng ký hoàn thiện hồ sơ nhãn hiệu tập thể theo quy định hiện hành, nộp Cục Sở hữu Trí tuệ để tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể với những nội dung được thực hiện tuần tự như:

– Về thẩm định hình thức thì Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ xem xét hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể có hợp lệ về hình thức không (thành phần hồ sơ, mẫu hồ sơ, chủ sở hữu, quyền nộp đơn…) trong phạm vi 1 tháng. Nếu hình thức hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể:

    * Không hợp lệ thì Cục Sở hữu Trí tuệ thì thông báo không chấp nhận hồ sơ cho bên đăng ký biết; đồng thời đề nghị bên đăng ký chỉnh sửa. Nếu bên đăng ký vẫn có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tập thể thì chỉnh sửa hồ sơ và nộp lại cho Cục Sở hữu Trí tuệ.

    * Hợp lệ thì Cục Sở hữu Trí tuệ thông báo chấp nhận hồ sơ cho bên đăng ký được biết và làm thủ tục để chuyển hồ sơ sang công bố hồ sơ.

– Về công bố hộ sơ hợp lệ, khi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đã hợp lệ về hình thức thì Cục Sở hữu Trí tuệ đăng công bố hồ sơ trong khoảng thời gian không quá 2 tháng để lấy ý kiến công chúng.

– Về thẩm định nội dung thì sau hai tháng đăng công bố hồ sơ, nếu không có ý kiến của công chúng thì Cục Sở hữu Trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung hồ sơ theo quy định trong phạm vi không quá 6 tháng. Nếu nội dung hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể:

     * Không đáp ứng thì Cục Sở hữu Trí tuệ thông báo không cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chi bên đăng ký biết để Bên đăng ký chỉnh sửa, bổ sung nội dung và đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ xem xét cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

    * Đáp ứng thì Cục Sở hữu Trí tuệ thông báo cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chi bên đăng ký biết và đề nghị bên đăng ký nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận

     *Về cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể thì Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho bên đăng ký trong phạm vi 2 – 3 tháng, kể từ khi nhận được lệ phí cấp giấy chứng nhận.

(3) Bước giải quyết khiếu nại: Trong quá trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nếu bên đăng ký xét thấy Cục Sở hữu Trí tuệ giải quyết chưa thỏa đáng thì có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Với những nội dung nêu trên, hy vọng sẽ góp phần xây dựng thành công Nhãn hiệu tập thể Dưa lưới Nha Bích theo Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 01/12/2020 của UBND tỉnh Bình Phước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UBND tỉnh Bình Phước (2020). Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 01/12/2020 triển khai thực Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
  2. Trần Quốc Hoàn (2021). Xây dựng nhãn hiệu tập thể nông sản Bình Phước. Bản tin Khoa học và Công nghệ Bình Phước. 
  3. https://luatvietan.vn/dang-ky-nhan-hieu-tap.html. Đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Cảm ơn đã xem bài viết, hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *